Ưu khuyết điểm của rau ngổ

 

Ưu khuyết điểm của rau ngổ

Cập nhật: 13/08/10

 

Rau mò om (rau ngổ) được biết đến như một rau gia vị quen thuộc tạo nên mùi đặc trưng của món canh chua và nhiều món đặc sản khác, cũng là một dược liệu quý đối với sức khỏe.

Người miền Nam gọi rau ngổ là rau mò om (Limnophila aromatica), người miền Trung thì gọi là rau ngổ diếc. Thuộc loại Hoa mõm sói Scrophulariaceae, là cây cỏ, mọc bò, thân rỗng giòn, dài 20 -30cm, có nhiều lông,

mùi rất thơm, lá nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân, phần lá gần thân nhỏ lại, mép hơi có răng cưa thưa, hoa mọc đơn độc ở nách lá. Rau ngổ thường được dùng như các loại rau gia vị, ăn sống hoặc chế biến thành những món ăn như rau om xào thịt bò, rau om um lươn. 

Còn rau ngổ của miền Nam, theo “Cây thuốc và vị thuốc” của Đỗ Tất Lợi thì có khi lại gọi là rau cần nước (Enhydra fluctuans) là loại rau cùng họ với cúc mọc ở dưới nước, lá dài, không cuống, mọc đối hay từng ba cái một, sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, thân hình trụ nhẵn, phân cành nhiều, có mắt. Lá mọc đối, không cuống, phái dưới ôm vào thân, mép có răng cưa, dài 5 cm, rộng 6-10 mm. Rau ngổ cộng to hơn rau om, cao hơn, mùi ít hăng hơn, ít tinh dầu hơn. Loại này không dùng làm gia vị kèm theo ngò gai, húng quế trong các món canh chua mà là xào với thịt bò hay tép, ăn kèm mắm kho, lươn um, giống như dùng rau muống tàu ăn với vịt nấu chao vậy.

Trong phạm vi bài này chúng ta đề cặp đến rau mò om-rau ngổ (rice paddy herb). Từ lâu người ta đã chiết xuất và thương mại hóa tinh dầu rau ngổ, có tác dụng giảm đau hiệu quả trong các bài thuốc trị liệu tự nhiên.

Thành phần và công dụng

· Nước : 93%

· Protid : 2,1%

· Glucid : 1,2%

· Cellulose : 2,1%

· Vitamin B : 0,29% và một ít vitamin C…

· Có ít tinh dầu

Theo đông y, rau ngổ có tính mát, vị chua cay, hơi se, thơm. Rau có tác dụng kháng viêm, lợi tiểu, giải độc do ngộ độc thức ăn, làm giãn cơ ruột, giãn mạch, tăng lọc ở cầu thận nên thường được sử dụng để trị sỏi thận, tiểu ra máu, chữa băng huyết, trị bệnh ngoài da như herpès mảng tròn, lở ngứa sần da do phát ban. Dân gian còn sử dụng thân và lá rau ngổ tươi sắc uống hoặc nhai nhuyễn nuốt nước còn xác thì đắp lên vết rắn cắn. Ngoài ra, tinh dầu menthol rau ngổ sử dụng ở liều 250-500 mg/trên kg trọng lượng có thể có tác dụng giảm đau là phát hiện mới nhất của các viện bào chế.

Bề trái của chiếc mề đay

Thế nhưng rau ngổ là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa mà thủ phạm là do an toàn vệ sinh kém. Do thân có nhiều lông và thường mọc ở ao hồ bị nhiễm bẩn nên hấp thu rất nhiều vi khuẩn mà trong đó có đến 90% là vi khuẩn đường ruột (coliforms). Thí nghiệm cho thấy sau khi rửa nước sạch tổng số vi khuẩn chỉ giảm được 10%, nồng độ coliforms giảm không dưới 5%. Ngay cả khi ngâm chloramine nồng độ 0,3 mg/l, ngâm thuốc tím K2MnO4 với nồng độ 1 mg/l trong 30 phút cũng chỉ hạ được nồng độ vi khuẩn xuống không quá 10%. Cách tốt nhất hiện nay là biết chắc chắn xuất xứ của rau ngổ hoặc là tự trồng rau để sử dụng. Rau rất dễ trồng và sinh sôi rất nhanh, chỉ cần một nhánh có rễ cho vào chậu đất hay nước là sẽ có cả mớ rau xanh tươi vừa an toàn vừa có vị thuốc nam trong nhà.

 

Thanh Tùng (tổng hợp)

http://thucphamvadoisong.vn/thuc-pham-doi-song/104-thuc-pham-cua-tuong-lai/541-uu-khuyet-diem-cua-rau-ngo.html

This entry was posted in CHỮA BỆNH. Bookmark the permalink.

Leave a comment