Sữa đậu nành không nhãn hiệu có hại cho sức khỏe

 

Ngon, bổ, rẻ. Đó là sữa đậu nành! Có 3 tiêu chí ấy lại thêm yếu tố tiện dụng, có thể mua ở bất cứ đâu, nên chẳng lạ khi “nhà nhà, người người” đều sẵn lòng xem đây là thức uống dinh dưỡng, sử dụng thường xuyên mỗi ngày.

Tuy nhiên, chỉ cần dạo một vòng qua những điểm chế biến sữa đậu nành dạo, không nguồn gốc, không nhãn hiệu trong thành phố, mới thấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại sữa đậu nành “trôi dạt” hiện rất đáng lên tiếng báo động khẩn cấp…

Gần 100% mẫu thử “có vấn đề” về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ghé một khu nhà trọ ẩm thấp trong con hẻm sâu, nơi tập trung khá nhiều người dân ngụ cư, ngoại tỉnh chuyên sinh sống bằng nghề bán sữa đậu nành dạo, ngỡ ngàng khi thấy hàng lớp lớp những mẻ sữa đậu nành đang được “sản xuất”, sang chiết, đóng vào chai nhựa hoặc vào túi nilon.

Nhếch nhác trong bộ quần áo cũ, những phụ nữ luôn tay cho đậu nành vào một chiếc cối xay cáu bẩn để nghiền. Nguyên liệu ban đầu không hề được kiểm tra. Không ai để ý đến chuyện đậu nành có được rửa sạch chưa, có bị lên mầm hay ẩm mốc không.

Sản xuất sữa đậu nành ở cơ sở thủ công. Ảnh của Công ty Mai Xuân cung cấp.

Một chuyên viên dinh dưỡng cho biết, nhiều người để tiết kiệm chi phí hay mua sỉ đậu nành rồi xay, chế biến từ từ. Đậu không được bảo quản, sau một thời gian lên mốc cũng mặc. Rửa sơ sơ rồi… nấu tuốt. Để át mùi mốc của đậu cũ thì đã có các loại hương liệu tạo mùi, bỏ vào chút xíu thôi là thơm nức ngay. Nhưng chính bản thân người chế biến, vì trình độ học vấn thấp và chẳng hề có kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, họ không biết rằng nếu sử dụng đậu nành mốc để làm sữa thì người uống vào có nguy cơ bị ngộ độc nghiêm trọng. Còn các loại hương liệu, chất phụ gia không kiểm soát chính là nguyên nhân gây nên ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.

Không quan tâm đến nguyên liệu ban đầu đã đành, đáng ngại hơn, để đảm bảo cho sữa lâu hư, lỡ bán không hết có thể… để dành, hâm lại ngày mai bán tiếp, hầu hết người chế biến sữa đậu nành theo kiểu “trôi dạt” này đều sẵn sàng cho vào sữa một lượng lớn các chất bảo quản nguy hại cho sức khỏe.

Chất phổ biến nhất được dùng là Natri Benzoat. Đây là chất có tác dụng chống mốc, được sử dụng trong chế biến thực phẩm và trong công nghiệp. Trong công nghiệp chế biến thực phẩm, nồng độ Natri Benzoat cho phép được quy định không được vượt quá 1g/kg thực phẩm.

Khi sử dụng quá liều lượng cho phép, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều tổ chức quốc tế đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Natri Benzoat trên chuột. Sau nhiều ngày chuột giảm trọng lượng, suy gan và thận rồi chết; thử nghiệm trên chó thì chó ảnh hưởng đến thần kinh!

Thế nhưng tại Việt Nam, người nấu sữa đậu nành dạo có thể dư sức kiếm được chất cực độc này ở khá nhiều nơi với cái tên nghe rất “hiền dịu”: Chất bảo quản giúp sữa đậu nành lâu hư. Không chỉ cho chất bảo quản, để sữa nấu ra luôn có màu trắng đục đẹp mắt, hấp dẫn, những người nấu sữa dạo không ngần ngại cho cả vào đấy một lượng lớn thạch cao, các chất phụ gia, các chất tạo mùi… mà không cần quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của các chất này lên sức khỏe con người. Hàng loạt vụ ngộ độc sữa đậu nành thời gian gần đây, có cả trường hợp ngộ độc tập thể với học sinh bán trú chỉ vì được cho uống sữa đậu nành nấu không rõ nguồn gốc, không nhãn hiệu đang là lời cảnh báo hết sức gay gắt với các ngành chức năng.

Uống sữa đậu nành không nhãn hiệu: đùa với sức khỏe chính mình

Một phụ nữ làm nghề nấu sữa đậu nành bỏ mối đã trên 5 năm thành thật chia sẻ, chị chưa từng qua bất kỳ một lớp huấn nào dù đơn giản nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Thấy người ta nấu sao thì mình bắt chước nấu vậy thôi. Thật ra cũng không biết là nguy hiểm đến mức đó đâu. Trước giờ tôi vẫn nghĩ dù gì sữa cũng đã được nấu sôi. Sôi vậy thì… chết vi trùng rồi. Chắc cũng chẳng hại gì”, chị giải thích.

Đây cũng chính là một suy nghĩ sai lầm thường gặp ở những người chuyên nghề “chế biến”, nấu sữa đậu nành không nhãn hiệu. Đậu nành “sôi giả” ở 88 độ C, nhưng muốn thật sự đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì phải được “sôi” ở nhiệt độ xấp xỉ đến 140 độ C. Kỹ thuật nấu thủ công không đủ sức đạt đến nhiệt độ khoảng 140 độ C này. Chính vì vậy, hầu hết các mẻ sữa đậu nành nấu được vẫn còn chứa đựng trong ấy những mầm mống vi khuẩn gây hại, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc bất cứ lúc nào.

Ích lợi của sữa đậu nành thì không còn gì để bàn cãi. Sữa đậu nành gắn chặt với “chế độ dinh dưỡng” của mọi người dân thành phố. Trong sữa đậu nành có vitamin A, B1, B2, D… và các men có ích cho tiêu hóa. Ngoài ra, thức uống này còn chứa chất isoflavon bù lại tình trạng thiếu oestrogene của phụ nữ có tuổi, chống loãng xương, phòng trị ung thư. Nó cũng cải thiện chứng thừa cholesterol ở đàn ông.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm từng khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông: Người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt phải lưu ý đến thời hạn sử dụng. Sữa đậu nành đóng túi nylon hoặc đóng trong chai nhựa bán ngoài đường phải hết sức thận trọng. Vì ngon bổ rẻ đâu không thấy, chỉ thấy nguy cơ ngộ độc hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe đang chực chờ phía trước.

(Nguồn: Công ty TNHH DV MT Mai Xuân)

 

 

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/doanh-nghiep-viet/2008/06/3ba0394e/

This entry was posted in FOOD. Bookmark the permalink.

Leave a comment